Xác tàu HMHS_Britannic

Xác con tàu Britannic nằm tại tọa độ 37°42′5″B 24°17′2″Đ / 37,70139°B 24,28389°Đ / 37.70139; 24.28389 ở khoảng 120 m dưới mặt nước biển. Người đầu tiên phát hiện và khám phá nó là Jacques Cousteau năm 1975. Con tàu lớn nằm che mạn phải, giấu đi phần thân tàu bị thủy lôi đụng phải. Một vết cắt lớn chia con tàu thành hai phần. Mũi tàu còn được nối với phần còn lại của thân tàu chỉ bằng một vài mảnh của boong B. Đây là kết quả của vụ nổ - vụ nổ phá hủy toàn bộ phần sống tàu giữa phòng ngăn thứ hai và thứ ba, và tác dụng của lực cản đáy biển. Mũi tàu bị biến dạng nghiêm trọng khi con tàu chạm mặt đáy biển, trước khi con tàu dài 269 m chìm ngập hoàn toàn trong nước, khi độ sâu của vùng biển này chỉ khoảng 122 m. Tuy vậy, khu phòng thủy thủ ở boong dành riêng vẫn còn trong tình trạng tốt. Máy móc, thiết bị và hai cần trục bốc dỡ hàng hóa vẫn còn ở boong này và được bảo toàn khá tốt. Cột trước bị bẻ cong và nó nằm trên mặt đáy biển gần xác tàu, trạm quan sát vẫn còn. Người ta không tìm thấy còi tàu. Ống khói thứ nhất nằm cách boong cứu sinh vài mét. Ba ống khói khác được tìm thấy trong những mảnh vụn phía sau xác con tàu. Mặc dù con tàu nằm trong vùng nước đủ nông cho phép để những thợ lặn dùng bình khí nén được huấn luyện lặn kỹ thuật có thể thăm dò và khám phá, nhưng xác con tàu được coi như một ngôi mộ chiến tranh của Anh quốc, và mọi cuộc khám phá con tàu đều phải được sự cho phép của hai nhà nước Anh và Hà Lan.

Vào giữa năm 1995, trong một chuyến thám hiểm được quay phim của sê-ri phim khoa học Mỹ Nova, Tiến sĩ Robert Ballard tìm kiếm vị trí Britannic, sử dụng hệ thống định vị dưới nước bằng sóng âm quét mặt phẳng. Hình ảnh được chụp từ các thiết bị điều khiển từ xa, nhưng không tìm thấy con tàu trong những hình ảnh đó. Sau đó Ballard tìm thấy được các ống khói của tàu, cho thấy rằng con tàu vẫn còn trong tình trạng tốt. Tuy nhiên những cố gắng tìm ra vị trí thủy lôi phá hủy thân tàu đều thất bại.

Tháng 8 năm 1996, xác HMHS Britannic được rao bán, và người đã mua nó là nhà Lịch sử học hàng hải Simon Mills, người đã viết hai cuốn sách về con tàu: Britannic-Người Khổng lồ Cuối cùng (Britannic-The Last Titan), và Con tin của Sự May rủi (Hostage To Fortune). Khi Simon Mills được hỏi rằng khi ông có đủ tiền và sự hỗ trợ, thì ông sẽ làm gì với con tàu Britannic, ông trả lời rằng: "Đơn giản thôi-cứ để yên nó như thế!"

Tháng 11 năm 1997, một đội lặn quốc tế do Kevin Gurr làm đội trưởng, đã dùng kĩ thuật lặn Trimix để thực hiện một cuộc thám hiểm và quay phim con tàu với định dạng phim mới (mini-DV). Kevin Gurr, Alan Wright, John Thornton, Dan Burton, Uffe Eriksson, Ingemar Lundgren, Richard Lundgren, Dave Thompson, Alexander Sotiriou, Kirk Kavalaris, Kevin Denlay, Tristan Cope, Miria Denlay, Gary Sharp, Ian Fuller, Manthos Sotiriou đã tham gia dự án. Vangelis Sotiriou cung cấp các hỗ trợ cần thiết.

Năm 1999, nhóm Những nhà thám hiểm dưới mặt nước (Global Underwater Explorers), và kênh Ocean Discovery dẫn đầu cuộc thám hiểm đầu tiên vào bên trong Britannic. Đoạn băng về cuộc thám hiểm này đã được phát trên các kênh National Geographic, BBC, History Channel, và kênh Discovery Channel.[5]

Năm 2003, Một cuộc thám hiểm dẫn đầu bởi Carl Spencer sử dụng kĩ thuật lặn cao cấp để đưa thợ lặn xuống vùng xác tàu. Phát hiện quan trọng nhất của họ là những cửa kín nước bị mở. Có ý kiến cho rằng điều này là vì vụ tấn công của quả thủy lôi, cộng với sự thay đổi ca trực của các nhân viên. Quả thủy lôi đã có thể phá tung các cửa sổ. Vị trí của quả thủy lôi được xác định, xác nhận báo cáo của U-73 rằng Britannic chìm do duy nhất một quả thủy lôi, và tai nạn đã xảy ra do các cửa sổ và cửa kín nước không được đóng chặt.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: HMHS_Britannic http://www.davidrumsey.ch/Origin_Seewen.pdf http://www.slmnet.ch/ci/seewen/presse/britannic/e/... http://www.atlanticliners.com/atlantic_liners_book... http://www.atlanticliners.com/britannic_home.htm http://www.hospitalshipbritannic.com http://www.imdb.com/title/tt0190281/ http://www.maritimequest.com/liners/britannic_page... http://www.ocean-liners.com/ships/britannic.asp http://www.ocean-discovery.org/britannic.htm http://www.pbs.org/lostliners/britannic.html